Đa sắc màu kiến trúc đô thị cổ Hội An

10/05/2017 0 3203

Nằm soi mình bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, phố cổ Hội An hiện lên với lối kiến trúc nghệ thuật Đông Tây kết hợp mang lại một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiền hòa. Khu phố cổ dường như còn lưu giữ nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ truyền thống với nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, giếng, cầu,…thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng đất Hội An.

Chùa Cầu

Chùa Cầu được xem là biểu tượng của vùng đất Hội An và rất đỗi quen thuộc đối với khách du lịch khi có dịp qua đây. Đây là cây cầu do các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Thiết kế ban đầu của cầu mang đậm dấu ấn văn hoá Phù Tang với mái ngói mềm mại có độ dốc xuống, những cột vuông, hoa văn trang trí hình chiếc quạt xòe, hình mặt trời,...

Chùa Cầu - ảnh 1

Tuy nhiên, do tác động của tự nhiên và trải qua quá trình tu sửa, các yếu tố kiến trúc Nhật Bản của Chùa Cầu cũng dần mất đi và thay vào đó là lối kiến trúc có sự giao thoa rõ nét giữa phong cách Việt, Trung. Cầu dài 18m, có mái che, lợp ngói âm dương, mặt cầu bằng ván gỗ, hình dáng cong cong ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Thu Bồn. Với lối kiến trúc khá độc đáo nên rất nhiều du khách tỏ ra thích thú khi dừng chân tham quan cây cầu đặc biệt này.

Chùa Cầu - ảnh 2

Nhà cổ Quân Thắng

Nhà cổ Quân Thắng là ngôi nhà cổ mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa, có niên đại hơn 150 năm và là ngôi nhà cổ đẹp nhất ở Hội An hiện nay, trở thành điểm tham quan chính của du khách trong hành trình khám phá Hội An. Đến nay, ngôi nhà vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn kiểu dáng kiến trúc và cách bài trí nội thất đậm chất Hội An, vẽ nên được phần nào lối sống của các tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Nhà được các nghệ nhân làng mộc ở Kim Bồng thực hiện theo kiểu điển hình của loại nhà trệt thông hai mặt đường – kiểu kiến trúc đặc trưng của Hội An như các vì kèo chồng rường giả thủ, cột trốn kẻ chuyền và vì vỏ cua.

Nhà cổ Quân Thắng

Cùng với đó, các đồ án trang trí hình các con vật ở trên tường, trên vách, non bộ, cuốn thư,… đã giúp cho ngôi nhà vừa thoáng đãng lại vừa như một bức tranh nghệ thuật tuyệt đẹp.

Hội quán Ngũ Bang

Cũng mang trên mình lối kiến trúc Trung Hoa, hội quán Ngũ Bang (hội quán Dương Thương hay Trung Hoa hội quán) toạ lạc ngay tại trung tâm khu phố cổ Hội An, là một trong năm hội quán do các thương khách người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng vào năm 1741.

Hội quán Ngũ Bang

Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng hội quán vẫn giữ được lối kiến trúc nguyên thuỷ ban đầu. Hội quán Trung Hoa được xây dựng theo hình chữ “Quốc”, gồm nhà tiền điện, chánh điện, tả vu và hữu vu. Đây là nơi thờ Thiên Hậu Ngũ Bang và là điểm sinh hoạt tín ngưỡng hay hội họp đồng hương của cả 5 bang để giúp đỡ nhau trong làm ăn buôn bán. Nếu có dịp du lịch Hội An, ngoài ghé qua Hội Quán Ngũ Bang, du khách cũng nên tham quan bốn hội quán còn lại để tìm hiểu rõ hơn nét đặc trưng trong lối kiến trúc của những hội quán này.

Nhà cổ Đức An

Nhà cổ Đức An là ngôi nhà tồn tại 180 năm qua ở Hội An với nét đẹp cổ kính, trầm mặc hiện lên từ mái ngói rêu phong, những đồ vật gia đình đời thường như chiếc đèn dầu, chiếc giá để bút,... Thể hiện sự quen thuộc, bình dị trong từng nét kiến trúc của người Việt.

Nhà cổ Đức An

Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà, du khách còn có dịp tìm hiểu về những dấu ấn lịch sử gắn liền với ngôi nhà. Bởi đây là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam và gắn liền với người chiến sĩ cách mạng Cao Hồng Lãnh. Khám phá những giá trị văn hóa độc đáo ở ngôi nhà này sẽ giúp du khách thêm yêu vùng đất Hội An hôm nay.

Nhà cổ Tấn Ký

Nhà cổ Tấn Ký được xem là ngôi nhà cổ nhất Hội An với gần 200 năm tồn tại. Ngôi nhà được xây dựng vô cùng độc đáo với những đường nét kiến trúc đa quốc gia. Chi tiết chồng rường giả thủ thể hiện nét kiến trúc Nhật Bản, kết hợp với hình ảnh thanh kiếm vắt chéo cùng dải lụa của kiến trúc Trung Hòa và đan xen lối kiến trúc Việt Nam qua chi tiết mái âm dương.

Nhà cổ Tấn Ký

Tổng thể kiến trúc của ngôi nhà theo kiểu hình ống - đặc trưng của loại nhà phố Hội An, với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Đồng thời, vật liệu trang trí nội thất trong ngôi nhà chủ yếu dùng các loại gỗ quý được chạm trỗ, điêu khắc rất tinh xảo thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân. Du lịch Hội An qua những ngôi nhà cổ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ Tấn Ký – một ngôi nhà cổ còn lại nguyên vẹn và đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

Nhà cổ Phùng Hưng

Đặt chân đến ngôi nhà cổ Phùng Hưng, du khách không khỏi ngạc nhiên bởi sự pha trộn tinh tế và hài hòa của lối kiến trúc Á Đông. Với sự giao thoa của ba trường phái kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa, ngôi nhà cổ này được đánh giá là ngôi nhà có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh. Ngôi nhà có tuổi thọ gần 100 năm tuổi và chứa đựng nhiều dấu ấn về lối sống của các tầng lớp thương nhân ở thương cảng Hội An sầm uất xưa kia.

Nhà cổ Phùng Hưng

Nhà cổ Phùng Hưng cũng là một trong những ngôi nhà nổi tiếng nhất trong quần thể kiến trúc cổ tại Hội An. Ngôi nhà cũng được xây dựng và trang trí bằng nhiều chất liệu quý nhưng không điêu khác, chạm trỗ cầu kỳ mà được giữ thô một cách cố ý. Nhà cổ Phùng Hưng thường dùng chủ yếu làm nơi trao đổi, giao thương buôn bán các mặt hàng như tơ tằm, thủy tinh, hạt tiêu, muối.

Khám phá Hội An thông qua các tour Hội An giá rẻ tại du lịch Đất Việt , du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ đầy màu sắc và lặng yên nghe thời gian dừng lại trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu xanh để tận hưởng chút bình yên cổ kính tại vùng đất này.

Hồng Hạnh - Đất Việt Tour

Bình luận bài viết này
Tìm đường