VÃN CẢNH CHÙA HƯƠNG - MIỀN ĐẤT PHẬT THANH TỊNH


Quần thể di tích chùa Hương là địa danh du lịch hút khách bậc nhất ở miền Bắc nước ta. Nơi đây không chỉ có những ngôi chùa linh thiêng, những dãy núi trùng điệp mà còn có hệ thống hang động huyền ảo và những dòng sông thơ mộng níu chân du khách. Hãy tham gia ngay một tour du lịch chùa Hương để cảm nhận sự linh thiêng nơi đất Phật, thỏa sức khám phá cảnh thiên nhiên kì vỹ và hòa mình vào dòng người tấp nập đi trẩy hội.


Nên đi Chùa Hương vào thời gian nào?

Hàng năm cứ dịp lễ hội Chùa Hương, du khách đến viếng chùa vãn cảnh vô cùng nhộn nhịp. Nơi đây không chỉ thu hút nhiều du khách trong nước mà còn là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài. Nếu muốn thoải mái dạo chơi, viếng chùa mà không lo điểm đến quá đông đúc, bạn có thể tránh du lịch chùa Hương vào các tháng không có lễ hội.

Phương tiện đi Chùa Hương

Xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, cách nhanh nhất để đến với chùa Hương là mua máy bay đi Hà Nội tới sân bay Nội Bài. Tại Hà Nội bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một phương tiện thích hợp để du lịch chùa Hương như: Xe máy, xe khách hoặc bằng xe buýt. Điểm đón xe buýt là bãi xe Hà Đông cũ, trên đường Trần Phú.

Tại chùa Hương, du khách sẽ được lênh đênh trên những chiếc đò nhỏ, ngắm cảnh dọc hai bên suối Yến và dạo bộ để tham quan chùa Thiên Trù, động Hương Tích,... Nếu muốn bạn có thể di chuyển bằng cáp treo để chiêm ngưỡng toàn cảnh khu vưc chùa từ trên cao.

Những điểm tham quan thú vị nhất khi đi du lịch chùa Hương

Để có thể tham quan trọn vẹn quần thể di tích chùa Hương du khách có thể khám phá theo 2 tuyến hành hương chính là tuyến Hương Tích và Tuyết Sơn hoặc tuyến nhỏ khác như: Tuyến Thanh Sơn, tuyến Long Vân,… đến các điểm tham quan nổi tiếng nhất như: Đền Trình, động Hương Tích, đền Cửa Võng, chùa giải Oan, động Thiên Sơn, chùa Thiên Trù,...

Đền Trình

Đền Trình (hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ) là ngôi đền nhỏ nằm ngay bên phải của dòng suối Yến, thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích. Đây là một địa danh hấp dẫn nhiều du khách khi đi du lịch Chùa Hương. Tục truyền rằng nơi đây, nơi đây từng là một ngôi đền nhỏ thờ vị thần tướng đã có công đánh giặc Ân phù vua Hùng Huy Vương.

Từ bến Đục đi đò khoảng 10 phút, du khách sẽ tới đền Trình. Tại ngôi đền này, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những nét kiến trúc lạ mắt và tham gia dâng lễ, góp công đức, tham quan đền sau đó hạ lễ, đốt vàng mã,… Sau khi dâng lễ ở đền Trình, đò sẽ đưa du khách đi qua cầu Hội và các ngọn núi với tên gọi lạ lẫm như: Núi Đổi Chèo, núi Voi Phục, núi Mâm Xôi vào thẳng bến đò Thiên Trù.

Động Hương Tích

Động Hương Tích cách bến đò Thiên Trù hơn 2000 mét, cao 390m, là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương và là điểm tham quan hút khách nhất của khu du lịch này.

Động Hương Tích có hình dáng tựa con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Năm 1770, chúa Trịnh Sâm từng tham quan và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức động đẹp nhất trời Nam. Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với nhiều hình thù kỳ lạ như: Bầu sữa mẹ, hoa Phiền Não, đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, cây Vàng, cây Bạc,… tựa chốn bồng lai tiên cảnh.

Động Hương Tích đã trở thành nơi thờ phật lớn nhất nơi đây.Vào mùa hội chùa Hương hàng năm, động Hương Tích luôn được bao phủ bởi làn khói hương mờ ảo cùng sự sôi động của khách hành hương tới viếng Phật.

Đền Cửa Võng (Đền Trấn Song)

Đền Cửa Võng còn gọi là đền Trấn Song do đại sư Thanh Tích khai sáng vào năm 1908. Trước mặt đền có dãy núi “rồng chầu mặt nguyệt”. Năm 1993 và 1995 Ban Xây dựng Chùa Hương trùng tu lại và mở rộng sân đền. Nơi đây thờ Thanh Y công chúa, tục gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn - người phù hộ cho cư dân gặp nhiều may mắn khi đi vào rừng hái lượm, sắn bắt. Ngôi đền này không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp của khu vực chùa Hương mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn văn hoá, lịch sử của chùa Hương cho thế hệ mai sau.

Chùa Giải Oan

Chùa Giải Oan nằm trên sườn núi, phía trái đường đi Hương Tích do sư tổ Thông Dụng khai sáng vào thời Lê Thuần Tông.

Năm 1955, chùa được trùng tu. Quanh chùa có am Phật Tích động Tuyết Kình, am Từ Vân. Đặc biệt, trong chùa còn có giếng thiên nhiên Thanh Trì nước trong suốt và không bao giờ cạn. Tương truyền Phật Bà Quán Âm đã tắm ở giếng này để tẩy bụi trần, nghỉ ngơi tọa thiền trước khi vào cõi Phật. Trước cửa hang có dòng suối Giải Oan. Người xưa quan niệm ai oan ức điều gì, thành kính đến nơi đây lễ Phật, uống nước ở giếng Giải Oan coi như đã giải được nỗi uẩn khúc trong lòng.

Động Tiên Sơn

Nằm cách Thiên Trù khoảng 200 mét, động Tiên Sơn được mở mang cùng thời gian với chùa Thiên Trù và chùa Hương. Động Tiên Sơn tuy nhỏ nhưng có địa thế và nhiều nhũ đá rất đẹp với nhiều nhũ đá tựa: Bàn tay phật, ngà voi trắng, trái tim, khánh đá, chiêng đá, khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng nhạc. Để lên Động Tiên Sơn du khách phải leo qua 200m bậc thang khá cao và dốc.

Chùa Thiên Trù

Chùa Thiên Trù hay còn gọi là chùa Ngoài nằm gần bến Trò trên dòng suối Yến, được Trần Đạo Viên Quang chân nhân dựng vào năm 1686 và được trùng tu, phát triển thành ngôi đại già lam ở các thế kỷ kế tiếp.

Có thể nói chùa Thiên Trù là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Chùa có bố cục rất hài hòa, gồm: Tam bảo, tiền đường, nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách, các nhà kho,… và có đủ phương tiện sinh hoạt cho hàng trăm người nghỉ lại lễ phật qua đêm. Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo này vẫn là điểm đến thú vị, hấp dẫn nhiều du khách trong quần thể danh thắng Hương Sơn.

Động Hinh Bồng

Năm 1932, Hội Thiện thôn Yến Vỹ đã khai phá một tòa động nhỏ trên ngọn núi cao ở thung lũng Cây Gạo gọi là động Hinh Bồng. Khác với động Hương Tích, động Hinh Bồng có không gian thoáng đãng, hoang sơ hơn. Đường đến động Hinh Bồng khá cao và dốc.

Trẩy hội chùa Hương

Hội Chùa Hương kéo dài trong 3 tháng, bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng 02 âm lịch. Trước ngày mở hội nếu đã có mặt ở chùa Hương du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tất cả các đền, chùa, đình, miếu nơi đây đều có khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.

Tại chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Hương khói thì không bao giờ dứt.

Nét thanh tịnh của miền đất Phật đã tạo nên sức hấp dẫn mời gọi rất nhiều du khách từ khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế ghé thăm, viếng Phật. Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Du khách đến đây đều thích thú với thú vui ngồi thuyền vãn cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.

Kinh nghiệm tránh chặt chém khi du lịch chùa Hương

Xác định hành trình trước khi lên đường

Chùa Hương là một quần thể gồm rất nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng. Để tham quan hết các điểm di tích, thắng cảnh ở chùa Hương sẽ mất nhiều ngày. Vì vậy, trước khi lên đường, du khách cần xác định hành trình tham quan cho mình để tiện cho việc mua vé các tuyến thuyền đò từ ban tổ chức lễ hội.

Tránh xa “cò mồi”

Vào những ngày lễ hội, trên đường về chùa Hương du khách sẽ gặp những lời đề nghị như: Dẫn đường, giúp trông xe, trông đồ và đưa đi tham quan các điểm trong chùa Hương,... Thực chất đây là những cò mồi, vì vậy du khách nên dứt khoát tránh xa các dịch vụ này nếu không muốn bị nhận những mức giá quá đắt đỏ.

Mua vé từ ban tổ chức lễ hội chùa Hương

Nếu du khách không đi theo tour thì nên trực tiếp mua vé tham quan và vé đi thuyền đò từ điểm bán vé của Ban tổ chức lễ hội đặt cạnh cổng vào khu di tích để tránh tình trạng bị chèo kéo ép giá.

Xuống thẳng bến Yến tìm đò đi ghép

Vào mùa lễ hội có khoảng 5.000 chiếc thuyền đò của nhân dân trong xã Hương Sơn neo đậu tại bến Yến. Tại đây luôn có những lái đò sẵn sàng chở du khách đến các điểm tham quan nếu nhận được vé từ Ban tổ chức lễ hội. Thông thường mỗi đò ở chùa Hương chở khoảng 10 - 20 người, vì vậy nếu du khách đi 1-2 người thì nên chủ động tìm đò đi ghép để tiết kiệm chi phí.

 

 

  



 


www.datviettour.com.vn

Tìm đường