Điểm danh những công trình kiến trúc biểu tượng của Hà Nội

10/05/2017 0 4746

Hà Nội - thủ đô xinh đẹp, cổ kính ngàn năm văn hiến còn lưu giữ những nét tinh hoa của cả đất nước Việt Nam. Nếu đã một lần đến đây thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được những công trình mang tính biểu tượng gắn liền với hình ảnh của thành phố.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Được xây dựng vào năm 1070 (dưới đời vua Lý Thánh Tông) với mục đích dùng để làm nơi thờ Khổng Tử, đặt bia tiến sĩ. Nơi đây đồng thời cũng được xem như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Hiện nay, UNESCO đã công nhận 82 tấm bia tại Văn miếu là Di sản Tư liệu Thế giới. Văn miếu Quốc Tử Giám cũng được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Chính vì mang ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực giáo dục mà Văn miếu rất thu hút những lượt viếng thăm là các sĩ tử trước các kỳ thi quan trọng.

Với những du khách muốn tìm hiểu những nét cổ xưa trong kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc hay chỉ đơn giản muốn tìm danh tính những bậc nhân tài của đất nước thì Văn miếu nên là lựa chọn đầu tiên trong hành trình du lịch Hà Nội của mình.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Là một người dân Việt Nam ai cũng sẽ có mong muốn được một lần đến Hà Nội thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi lưu giữ thi hài của Người. Lăng được xây dựng trên nền cũ của Quảng trường Ba Đình lịch sử, dưới sự trợ giúp từ các chuyên gia Liên Xô và vật liệu xây dựng được mang về từ nhiều miền trên cả nước. Đây là một công trình kiến trúc thể hiện lòng thành kính của nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng cũng được coi là một trong những kiến trúc đẹp của thế giới.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng mở cửa vào các buổi sáng thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Khi vào viếng Bác mọi người không được mang theo các thiết bị điện tử và phải tuyệt đối giữ im lặng. Nếu bạn có ý định đến thăm lăng Bác, hãy giành chút thời gian đến sớm vào giờ cảnh binh làm lễ chào cờ buổi sáng để thấy được nét khác biệt so với những thời điểm có đông những khách viếng thăm trong ngày.

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên nối liền hai bờ sông Hồng, được Pháp xây dựng tại Hà Nội (1899 -1902) với tên gọi là Doumer, hiện nay thuộc hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Cầu Long Biên không chỉ vì ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn bởi kiến trúc độc đáo của cây cầu này. Hình dáng của cầu Long Biên được thiết kế đặc biệt và xây dựng bằng chất liệu là thép nên được nhiều người ví như là Tháp Eiffel nằm nghiêng.

Cầu Long Biên

Mặc dù theo thời gian những nhịp cầu không còn nguyên vẹn, nhưng vẻ đẹp của cây cầu hơn 100 tuổi này luôn hấp dẫn được nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan như một phần không thể thiếu khi đến Hà Nội.

Cầu Thê Húc

Nếu đã từng được ngắm nhìn toàn cảnh Hồ Gươm chắc hẳn bạn không thể nào quên được sắc đỏ thắm và dáng cong uốn lượn của những nhịp cầu gỗ của cầu Thê Húc. Cầu được xây dựng bởi Nguyễn Văn Siêu (1865) với cái tên ban đầu mang ý nghĩa là “Nơi đậu ánh Mặt Trời buổi sáng sớm”. Cầu Thê Húc cùng với một một loạt các di tích nằm trong cụm không gian chung của Hồ Gươm như Tháp Bút, Đài Nghiên … đều có cấu trúc, màu sắc, biểu tượng cũng như sự liên hoàn giữa các di tích mang đầy dấu ấn về tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời.

Cầu Thê Húc

Buổi sáng sớm, đứng ở trên cầu, du khách sẽ đón nhận những làn ánh sáng hình rẻ quạt chiếu rọi lên lan can, hắt sáng xuống làn nước trong xanh và cảm nhận được sự thanh khiết, huyền ảo của hồ Gươm.

Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn nằm trên Quảng trường Cách mạng tháng Tám, tại phố Tràng Tiền – một vị trí sầm uất bậc nhất của thành phố, là một phiên bản thu nhỏ của Opéra Garnier ở Paris. Nằm giữa không gian náo nhiệt của trung tâm thành phố nhưng khi ngắm nhìn Nhà hát Lớn bạn sẽ luôn tìm được sự sâu lắng trong nét kiến trúc cổ điển của nó.

Nhà hát Lớn Hà Nội

Từ khi xây dựng cho đến nay Nhà hát Lớn luôn là cái nôi đào tạo và phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật trong nền văn hóa chung của nước nhà. Mặc dù có nhiều những trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn khác ra đời nhưng Nhà hát Lớn vẫn luôn là điểm đến lý tưởng cho những người yêu nghệ thuật cổ điển. Du lịch Hà Nội, muốn thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc hay những tinh hoa của nghệ thuật cổ điển thế giới, du khách có thể đến với Nhà hát Lớn.

Sân vận động Mỹ Đình

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Từ Liêm – Hà Nội) là công trình trung tâm và quan trọng nhất thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia, được xây dựng với mục đích trực tiếp phục vụ SEA Games 22 và ASEAN Para Games lần thứ 2, hiện nay là sân vận động lớn có sức chứa lớn thứ hai Việt Nam (sau sân vận động Cần Thơ).

Sân vận động Mỹ Đình

Sân vận động Mỹ Đình có quy mô và hiện đại không kém gì một số sân vận động lớn khác trong khu vực. Bên cạnh nét hiện đại trong kiến trúc của sân vận động, du khách cũng có thể tìm thấy nét truyền thống Việt Nam qua phần mái phía trên khán đài mang hình dáng của trống đồng. Hà Nội với những di tích, thắng cảnh mang biểu tượng đặc trưng riêng của mình luôn thành công trong việc níu chân du khách quay lại nơi đây lần nữa. Nếu bạn chưa đến thành phố này, hãy xách ba lô và trải nghiệm những điều tuyệt vời mà thành phố này mang lại.

Nguyễn Kiều – Đất Việt Tour

Bình luận bài viết này
Tìm đường